Thùng PC đã “tiến hóa” như thế nào? Đây là câu trả lời cho bạn
Mời các bạn cùng METECH tìm hiểu về lịch sử tiến hóa của chiếc thùng PC nhé.
Để mở đầu, chúng ta cùng nói về chiếc PC IBM đầu tiên ra mắt vào năm 1981 nhé. Chiếc máy tính cá nhân này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử máy tính, nhưng đồng thời phần khung (chassis) của IBM PC cũng đáng chú ý vì nó có sức ảnh hưởng lớn đến hình hài của phần lớn PC trong vài thập kỷ tiếp theo đó nha.
PC IBM (1981) và khối hộp màu be
Cụ thể thì đó chính là khối hộp màu be với một vài ổ đĩa mềm phía trước và các khe mở rộng cũng như cổng kết nối bàn phím ở phía sau. Lý do vì sao nó lại có màu be thì sự thật là chẳng ai biết rõ nguyên nhân sâu xa cả. Tuy nhiên, theo các nhà sử học máy tính thì nó có thể liên quan đến việc các doanh nghiệp mua IBM PC về muốn nó nhìn hài hòa, tông-xuyệt-tông với các thiết bị văn phòng khác vào thời bấy giờ, và lúc đó thì gần như mọi thứ tại văn phòng đều có màu be.
Về phần bên ngoài thì thùng PC không thay đổi quá nhiều trong vòng 20 năm, ngoài việc nó được trang bị thêm ổ đĩa mềm 3,5-inch, và sau đó là ổ đĩa quang. Tuy nhiên, bên trong thì nó lại có nhiều sự thay đổi lớn, đặc biệt là về khía cạnh hình dáng (form factor). Cụ thể hơn ở đây là thay đổi kích thước chuẩn cho một số linh kiện quan trọng như bo mạch chủ và bộ nguồn.
Chuẩn ATX xuất hiện
Thùng PC dạng AT từng làm mưa làm gió trên thị trường khi vi xử lý 286 và 386 đang trong thời kỳ hoàng kim của nó. Nhưng khác với những chiếc thùng máy ngày nay, thùng máy ngày trước có nhiều cổng kết nối được tích hợp sẵn trên đó luôn, kiểu như là các cổng I/O ở mặt trước của thùng PC ngày nay vậy.
Đến năm 1995 thì chuẩn ATX xuất hiện. Nó không chỉ giúp PC nhỏ gọn hơn mà còn mang đến kiểu thiết kế các cổng I/O nằm ở phía sau bo mạch chủ. Do ATX không phụ thuộc quá nhiều vào các cổng kết nối đã được tích hợp sẵn trên thùng máy, thế nên nó cho phép các nhà sản xuất bo mạch chủ linh động hơn trong việc chọn các giao tiếp mà họ muốn hỗ trợ. Thêm vào đó, ATX còn giúp người dùng nâng cấp máy tính một cách dễ dàng hơn, không nhất thiết phải thay thùng máy.
ATX còn giúp tạo ra bộ nguồn chuẩn ATX. Điều này cực kỳ quan trọng vì nó cho phép nút nguồn ở phía trước thùng PC hoạt động bằng cách điều khiển bằng phần mềm. Mỗi khi bạn bấm nút nguồn và PC thực hiện đúng quy trình tắt máy hẳn hoi (chứ không ngắt điện cái rụp) là nhờ nó đó.
Sự thay đổi lớn về ngoại hình thùng PC
Nhưng phải đến cuối những năm 90, đầu những năm 2000 thì chúng ta mới thấy được sự thay đổi lớn, đó là chuyển từ chiếc hộp màu be sang một sản phẩm khác có thể hỗ trợ người dùng lắp ráp dễ dàng và đồng thời nhìn bắt mắt hơn. Lúc này, PC màu đen cũng bắt đầu trở nên thịnh hành hơn, song song đó là một số thùng PC đại trà như của Compaq cũng có thêm những mảng nhựa rực rỡ sắc màu.
Thêm một xu hướng cũng khá phổ biến vào lúc đó là làm cho máy tính nhìn “công nghiệp” hơn bằng cách thiết kế vỏ ngoài bằng kim loại bóng loáng. Có thể lấy ví dụ như chiếc Antec Lanboy (2003) với phần khung bằng nhôm nhẹ, cho phép người dùng dễ dàng xách nó đi để lập hội LAN party. Thậm chí, nó còn có mặt hông trong suốt để phô diễn dàn linh kiện bên trong nữa cơ.
Không riêng gì PC cho game thủ, Apple cũng góp vui với chiếc Power Mac G5 cùng mặt trước đục lỗ trứ danh.
Tuy nhiên, không phải game thủ nào cũng thích thùng PC kiểu này, thế nên trên thị trường đã xuất hiện thêm những chiếc thùng máy làm hoàn toàn bằng nhựa acrylic, nhấn nhá thêm một vài linh kiện màu neon cho đẹp mắt. Nhìn khá là rối nhưng chí ít thì nó thú vị hơn nhiều so với một chiếc hộp màu be.
Thùng máy bắt đầu trở nên tối giản hơn
Ít lâu sau đó, đến khoảng giữa những năm 2000, ổ đĩa 3,5-inch bắt đầu bị tuyệt chủng. Những chiếc thùng máy vẫn còn ổ đĩa này sẽ được người dùng thay bằng thiết bị khác, chẳng hạn như đầu đọc thẻ nhớ hoặc là bộ điều khiển quạt. Lúc này, nhiều người bắt đầu nghĩ đến chuyện loại bỏ một số tính năng không cần thiết ra khỏi thùng máy, thay vì là bổ sung thêm.
Kết hợp với xu hướng mặt bên hông được làm trong suốt, triết lý thiết kế thùng PC bắt đầu chuyển sang hướng giúp máy tính nhìn gọn gàng và tinh tế hơn. Thế là chúng ta có thêm tính năng đi dây nở rộ vào cuối những năm 2000, mặt kính cường lực bên hông vào giữa những năm 2010, và nhìn chung thì ngoại hình của thùng máy cũng trở nên tối giản hơn.
Thùng PC bắt đầu tối ưu cho việc tản nhiệt linh kiện bên trong
Đây cũng là lúc mà linh kiện PC trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thế nên các hãng cũng phải tính đến chuyện làm mát cho các linh kiện bên trong case. Chiếc Antec P180 (2006) được thiết kế với khoang riêng để làm mát bộ nguồn, tương tự như những chiếc case ngày nay.
Đến đầu những năm 2010 thì thùng PC cũng tận dụng không gian trống bên trong tốt hơn, tái cấu trúc để tương thích với két tản nhiệt nước (radiator) và tank chứa nước. Ngay cả game thủ không xài những bộ tản nước custom cầu kỳ cũng có thể tận dụng khu vực đó để gắn thêm quạt làm mát.
Cùng lúc này thì RGB cũng xuất hiện khiến rất nhiều người thích các ánh đèn rực rỡ sắc màu này. Và thế là chúng ta có những bộ PC lung linh như các bạn đang thấy hiện nay.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.